Phía trước là chân trời

Tương tư

Tương tư của Nguyễn Bính

Posted by thaidung1611 on 20/06/2014

I/ MỞ BÀI

Nguyễn Bính là một trong những gương mặt tiêu biểu của phong trào Thơ mới, cũng như của thơ ca hiện đại Việt Nam. Trong trong khi hầu hết các thi sĩ trong phong trào Thơ mới đều chịu ảnh hưởng sâu đậm của thơ ca lãng mạn Pháp thì Nguyễn Bính lại tìm về với văn hoá dân gian. Cùng với một số nhà thơ khác, Nguyễn Bính đã đóng góp cho thơ mới một  giọng  điệu riêng, đậm hồn quê. Bài thơ “Tương tư” là một minh chứng cho tính chân quê đó

II/ THÂN BÀI :

(1/ Xuất xứ chủ đề)     “ Tương tư” (1939) rút trong tập Lỡ bước sang ngang, tập thơ nổi tiếng và tiêu biểu cho phong cách thơ Nguyễn Bính. Qua chuyện tương tư, bài thơ thể hiện tình yêu tha thiết của nhà thơ với quê hương, ở cái hồn quê  mộc  mạc thấm đẫm trong thi liệu, cảm xúc, ở cách thể hiện đậm phong vị  dân  gian. Âm điệu, ngôn ngữ, hình ảnh, thể thơ đều rất gần gũi với ca  dao

Cảm xúc chủ đạo cả bài thơ được thể hiện ngay từ nhan đề của tác phẩm : “Tương tư’. Nhưng cung bậc tâm trạng này không chỉ đơn thuần là nhớ nhung. Mà nỗi tương tư trong bài thơ là một phức hợp các cảm xúc khác nhau, với những diễn biến không hề xuôi chiều. Bắt đầu là sự nhớ nhung (khổ 1), đến than thở, rồi nôn nao mơ tưởng (ba khổ tiếp theo), để cuối cùng là những ước vọng xa xôi (khổ cuối). Tất cả diễn biến theo lối xen lồng và chuyển hóa nhau rất tự nhiên, chân thực.

(2, Cảm nhận) :

Khi tình yêu còn e ấp, chưa dám tỏ bày (tình yêu đơn phương), thì tương tư là một cảm xúc, một căn bệnh khó lòng tránh khỏi. Tâm trạng của chàng trai trong bai thơ là như thế.

a/ Cũng như biết bao tâm hồn đã và đang tương tư khác, nỗi lòng của chàng trai cũng được bắt đầu bằng sự mong nhớ

“Thôn Đòai ngồi nhớ thôn Đông
Một người chín nhớ mười mong một người”.

Gió mưa là bệnh của giời,

Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng.

Không gian của nỗi tương tư ấy là không gian làng quê. Vì thế tâm trạng tương tư cũng được thể hiện theo kiểu rất thôn quê. Nó cụ thể chứ không mông lung như chàng trai thị thành Xuân Diệu :

Sương nương theo trăng ngừng lưng trời

Tương tư nâng lòng lên chơi vơi…

(Nhị hồ)

Nhưng tại sao ở đây không phải là anh nhớ em hay tôi nhớ nàng mà là “Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông. Cách nói (hoán dụ – mượn hình ảnh hai thôn để diễn tả thay cho hai cá thể đang yêu) này vừa khiến cho câu thơ mang phong vị dân gian vừa có tính hàm súc. Dù còn e ấp, thẹn thùng chưa dám nói ra, nhưng nỗi nhớ của chàng trai da diết lắm, nó như thấm vào cả cảnh vật và lan toả khắp không gian. Thêm vào đó, điệp từ “một người” được ngăn cách bằng thành ngữ “chín nhớ mười mong” vừa như một nhịp cầu mà cũng vừa như tấm bình phong ngăn trở của mối tình đậm đà buổi sơ khai này vậy. Từ đó, tác giả đi đến một kết luận, một sự đúc kết sâu sắc:

“Gió mưa là bệnh của giời,

Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng”

Nếu giời đất có nắng có mưa thì tôi yêu nàng, tôi mắc bệnh tương tư cũng là lẽ thường tình, hợp qui luật. Nhà thơ đem “Cái tôi”cá nhân sánh với trời đất, vũ trụ. Để từ đó khẳng định :Tính yêu của tôi, bệnh tương tư của tôi có trời bảo chứng. Trời thế nào, tôi thế ấy. Sự xuất hiện cuả một “cái tôi” như thế là hết sức độc đáo mới mẻ trong văn học Lãng Mạn 30-45

Vì  yêu mà không dám nói ra với người mình yêu nên nỗi nhớ càng  trĩu nặng và tình cảm càng mãnh liệt. Tâm trạng chàng trai quê không dừng lại ở sự nhớ mong mà nó được nâng lên một bậc khác,

b/ đó là sự mong ngóng, đợi chờ, muốn nhìn thấy người mình yêu.

*/ Tâm trạng đó được bộc lộ rõ ràng qua bốn câu thơ tiếp theo:

Hai thôn chung lại một làng,

Cớ sao bên ấy chẳng sang bên này ?

Ngày qua ngày lại qua ngày,

Lá xanh nhuộm đã thành cây lá vàng”

Hai câu đầu cứ như có một ý gì đó tự hỏi mà cũng có một ý gì đó hờn trách nhẹ nhàng. “Hai thôn chung lại một làng”, gấn thế cơ mà, nhưng sao “bên ấy” chẳng sang chơi, sao cứ  hờ hững mãi, để cho “bên này” phải “ra ngẩn vào ngơ”, phải tương tư khổ sở thế này.“Ngày qua ngày lại qua ngày”, thời gian cứ thế trôi đi, “bên này” chờ đợi nhớ mong đã lâu lắm rồi, đến nỗi “Lá xanh nhuộm đã thành cây lá vàng” rồi “bên ấy” có biết hay không ? Nhà thơ không phải là cách xưng hô mình – ta quen thuộc, mà “bên ấy – bên này” thật kín đáo tế nhị nhưng cũng rất “chân quê” Đối với những tâm hồn đang yêu đương cháy bỏng thì một ngày hay thậm chí một giờ một khắc không gặp người mình yêu cũng dài như mấy năm vậy

Sâu đong càng lắc càng đầy

Ba thu dọn lại một ngày dài ghê. (Nguyễn Du)

Sự trôi chảy của thời gian được tác giả miêu tả bằng điệp ngữ “qua ngày” cùng từ “lại”, kết hợp với hình ảnh “Lá xanh nhuộm đã thành cây lá vàng”. Nguyễn Bính đã không chỉ cụ thể hóa bước đi chậm chạp, nặng nề của thời gian,  mà qua đó ông còn cho ta thấy được tâm trạng héo mòn, khô úa vì đợi chờ của nhân vật trữ tình. Cái tâm trạng chờ mong, nóng lòng, bồn chồn đến “ra ngẩn vào ngơ” này ta cũng từng gặp trong ca dao dân ca :

“Khăn thương nhớ ai

Khăn rơi xuống đất

Khăn thương nhớ ai

Khăn vắt lên vai

Khăn thương nhớ ai

Khăn chùi nước mắt”

Nhưng sự hờn giận của chàng trai có vẻ hơi vô lí. Bởi theo quan niệm truyền thống thì “trâu phải đi tìm cọc” chứ ai lại “cọc đi tìm trâu”, chàng phải sang chứ sao lại trách cô gái không sang. Trong trường hợp này, chàng trai lại đóng vai thụ động ngồi chờ đợi . Thực ra đó chính là cái cớ  nhà thơ tạo ra để chàng trai có dịp bộc bạch tâm tư của mình. Hơn nữa, lối trách móc này không phải vì ghét, không giống như sự qui kết trách nhiệm, đỗ lỗi thông thường. Mà trách vì yêu. Do quá mong nhớ, bị nỗi nhớ mong giày vò người trong cuộc dễ tưởng mình bị hờ hững, nên sinh ra “hờn ngược, trách xuôi” vậy thôi, “trách yêu”cũng là một cách bộc bạch tình cảm

*/  Nỗi tương tư cùng lời hờn trách cứ da diết và sâu đậm  hơn theo  dòng tâm trạng của nhân vật trữ tình.

Bảo rằng cách trở đò giang,

Không sang là chẳng đường sang đã đành.

Nhưng đây cách một đầu đình,

Có xa xôi mấy mà tình xa xôi…

Dằn vặt là tự làm khổ mình, biết vậy nhưng nhân vật tôi không sao thoát ra được, cứ căn vặn về lý do khiến chàng phải đợi chờ:  rằng đâu có cách trở đò giang, đâu phải không có đường sang, khoảng cách “bên ấy”  “bên này” cũng chỉ có “một đầu đình”? Câu hỏi như tan vào không gian mênh mông, bởi “ có xa xôi mấy mà tình xa xôi…”. Cái tình của “bên ấy” đâu có hướng sang “bên này”. Vì thế chàng trai có tự vấn mình bao nhiêu đi chăng nữa cũng là vô vọng. Nhịp điệu thơ da diết kết hợp những hình ảnh rất gần gũi và quen thuộc với văn hoá làng quê của người Việt (con đò, mái đình), nhà thơ không chỉ tạo nên không gian làng quê yên bình, lãng mạn, thích hợp để  chàng  trai giãi bày tâm trạng tương tư. Mà ông cònthể hiện rất tinh tế trạng thái tâm lí của  kẻ  đang yêu mà chưa nhận được lời đáp lại.

*/ Nỗi nhớ thương không người  giãi  bày đã làm cho nhân vật trữ tình càng chìm sâu trong nỗi tương tư

Tương tư thức mấy đêm rồi,

Biết cho ai, hỏi ai người biết cho !

Bao giờ bến mới gặp đò ?

Hoa khuê các, bướm giang hồ gặp nhau ?

Một ngày không gặp thì nhớ mong, hai ngày không gặp thì bồn chồn, lo lắng, ba ngày không gặp thì hờn mát, trách yêu, rồi  nhiều ngày nữa không gặp thì nỗi tương tư giờ đây đã chuyển sang một cung bậc cảm xúc cao hơn, phức tạp hơn: đó là sự buồn bã, không ăn, không ngủ. “Tương tư thức mấy đêm rồi”. Nhưng dù vậy thì “Biết cho ai, hỏi ai người biết cho”? Đại  từ phiếm chỉ ai lặp lại hai lần trong một câu thơ càng làm tăng  nỗi niềm tha thiết của kẻ đa tình. Mòn mỏi chờ đợi cùng nỗi niềm tương tư giờ đây trở thành sự mơ tưởng,

Bao giờ bến mới gặp đò ?

Hoa khuê các, bướm giang hồ gặp nhau ?

Hai câu thơ, hai câu hỏi  đầy trăn trở, nhưng đằng sau nỗi lòng ấy là sự mơ tưởng của chàng trai về một ngày gặp gỡ của hai ta.Và nếu hình ảnh “bến – đò” mang đậm tính chất truyền thống , thì hình ảnh “hoa khuê các – bướm giang hồ” lại rất đặc trưng cho phong cách các nhà thơ mới. Cặp hình ảnh(ẩn dụ) này không chỉ sự kết hợp  nhuần  nhuyễn giữa cái “chân quê” với nét mới và lãng mạn trong phong cách thơ  Nguyễn  Bính. Mà qua đó nhà thơ đã diễn tả sinh động tâm trạng của nhân vật trữ tình. Đến đây, tâm trạng chàng trai đang diễn biến ngày càng phức tạp và đa cung bậc hơn từ nhớ mong, chờ đợi, bồn chồn rồi đến hờn trách và tự vấn bản thân để từ đó nâng lên thành sự mong ước gặp gỡ. Vì thế hệ thống những hình ảnh được tác giả sử dụng đã ngày một đa dạng và phong phú hơn. Nhưng không dừng lại ở nỗi ước mong được gặp nhau mà giờ đây,

c/  chàng trai muốn được gắn kết, giao hòa và được kết tóc se duyên cùng người “bên ấy” ở “thôn Đông”.

Nhà em có một giàn giầu,

Nhà anh có một hàng cau liên phòng.

Thôn Đoài thì nhớ thôn Đông,

Cau thôn Đoài nhớ giầu không thôn nào ?

Khổ thơ thơ mang hình thức của một bài ca dao. Chàng trai trong ca dao thường mượn những cái cớ rất duyên dáng để hoặc làm quen hoặc tỏ tình với đối tượng của mình như quên áo, mời trầu… Chàng trai trong Tương tư của Nguyễn Bính cũng mượn chuyện trầu cau để giãi bày tâm  tư, khát vọng của mình :

“Nhà em có một giàn giầu

Nhà anh có một hàng cau liên phòng”.

Thực ra khát vọng lứa đôi đã được nhà thơ nhen nhóm, gửi gắm qua các cặp đôi : thôn Đoài – thôn Đông, môt người – một người, gió mưa – tương tư, tôi – nàng, bên ấy – bên này, hai thôn – một làng, bến – đò. hoa khuê các – bướm giang hồ, nhà anh – nhà em, để rồi cuối cùng dừng lại ở cặp đôi giầu – cau

Nếu điệp từ “có” nhấn mạnh đến khả năng vật chất đủ cho sự tác thành lưá đôi, cả hai môn đăng hộ đối. Thì hình ảnh giàn giầu, hàng cau, lại gợi cho ta nhớ ngay đến cái đám cưới cổ truyền của dân tộc, nhớ đến một sự gắn bó chung thủy của lứa đôi, của hai tâm hồn đang hòa nhập làm một. Cách xưng hô của chàng trai đến đây cũng đã thay đổi, không còn là “thôn Đòai”, “thôn Đông” hay “bên ấy”, “bên này”, cũng không còn là “bến” – “đò” hay “hoa” – “bướm” mà đã trở thành “anh” và “em”. Điều đó thể hiện một khát khao gắn kết mãnh liệt, muốn cùng người mình yêu thương sống trọn đời trọn kiếp để tạo nên một cái kết có hậu và đẹp đẽ của mối duyên quê, chất phác, đậm đà.

Nhưng khép lại bài thơ, đọng lại trong tâm tưởng người đọc vẫn là :

Thôn Đoài thì nhớ thôn Đông,

Cau thôn Đoài nhớ giầu không thôn nào ?

Nếu câu trên là sự khẳng định tình yêu của anh , thì câu sau lại là câu hỏi căn vặn về tấm lòng của em. Yêu tha thiết, nhớ mong đến khắc khoải, nhưng chàng trai cũng chẳng thể chắc chắn cô gái có đi cùng đường, sẽ gắn kết hòa hợp với mình trong cuộc đời hay không. Và vì thế tình yêu của chàng trai vẫn chỉ là khát vọng, vô vọng, vẫn chỉ là tương tư mà thôi

III/ KẾT LUẬN

Đọc “Tương tư ta không chỉ thấy hồn quê Việt Nam thấm đượm trong từng dòng thơ, mà ta còn thấy  sự sáng tạo mới mẻ của hồn thơ Nguyễn Bính ”. Ông làm mới thể thơ lục bát qua cách sử dụng từ ngữ, hình ảnh, nhịp điệu mới mẻ, linh động, thấm đẫm cái tình tứ Thơ Mới; không gian đồng quê được phủ lên cái tâm tư của con người hiện đại. Bằng cách ấy, nhà thơ đã viết thật hay về tình yêu- một thứ tình yêu trong sáng, đơn phương mà mạnh liệt.

 

 

 

Bình luận về bài viết này