Phía trước là chân trời

_Hình tượng Huấn Cao

Hình tượng Huấn Cao

Posted by thaidung1611 on 16/06/2014

I/ MỞ BÀI

Nguyễn Tuân là gương mặt tiêu biểu hàng đầu của nền văn học dân tộc. Ông chẳng những là một nhà văn lớn mà còn là một nhà văn hoá lớn .Với nửa thế kỉ lao động nghệ thuật nghiêm túc ,ông đã để lại một sự nghiệp phong phú, trong đó có những áng văn có thể coi là kiệt tác, khặng định vị trí vẻ vang của ông trong LS VHDT . Chữ người tử tù là một trong những tác phẩm như thế. Độc giả các thế hệ sẽ còn mãi không quên hình tượng Huấn Cao : Người tử tù – người nghệ sĩ tài hoa – Ngôi sao chính vị muốn từ biệt thế giới. (hoặc : Độc giả các thế hệ sẽ còn mãi không quên nhân vật quản ngục – cái thuần khiết giữa một đống cạn bã, thứ ân thanh trong trẻo mà bản đàn và nhạc luật đều hỗn loạn và xô bồ)

 

II/ THÂN BÀI

(1/ Xuất xứ – chủ đề )

Chữ người tử tù được rút trong tập Vang bóng một thời – một tác phẩm “gần đạt tới sự hoàn mĩ”( Vũ Ngọc Phan). Với phong cách phóng túng tài hoa và uyên bác, Nguyễn Tuân viết rất hay về những thú chơi tao nhã đầy nghệ thuật của lớp nhà nho cuối mùa. Để từ đó gửi gắm tấm lòng yêu nước tha thiết và thái độ trân trọng những gíá trị văn hóa cổ truyền của dân tộc. thế giới nhân vật của ông thường có hai hạng người : hạng tài hoa nghệ sĩ nhân cách thanh cao , và hạng người tầm thường phàm tục . Và Huấn cao thuộc hạng người thứ nhất – thuộc lớp người rất hiếm hoi còn sót lại của một thời vang bóng

(2/ Tình huống truyện )

Trên cái nền một thế giới tối tăm tù ngục, trong đó kẻ tiểu nhân bọn độc ác bất lương làm chủ, Nguyễn Tuân đã lảm nổi lên ba đốm sáng lẻ loi,cô đơn: Huấn Cao, Quản ngục và viên thư lại- Những con người có tài và biết trọng cái tài,có nghĩa khí và biết trọng nghĩa khí. Họ tình cờ gặp nhau trong tình huống éo le. Xét về mặt xã hội họ đối địch với nhau. Nhưng về phương diện văn hóa : họ là những người yêu cái đẹp và trọng cái đẹp. Quan hệ giữa họ vì thế có những diễn biến đầy kịch tính. Từ chỗ ngờ vực,đối địch nhau dần dần đến hiểu nhau và quí trọng nhau. Và cũng trên cái nền đó, xoay quanh câu chuyện xin chữ và cho chữ, nhà văn đã khắc họa

(3/ ) vẻ đẹp của hình tượng Huấn Cao

Huấn Cao là một hình tượng đẹp, một nhân vật “vang bóng”đã “làm giặc”chống lại triều đình. Nguyễn Tuân không nói về cuộc đời “chọc trời khuấy nước”của nhà nho này mà ông chỉ kể lại những ngày cuối cùng của người tử tù trong trại giam trước khi bưóc lên đoạn đầu đài .

Cũng như mọi nhân vật chính diện trong tác phẩm của Nguyên Tuân,

a / Huấn Cao là một bậc nghĩa khí tài hoa .

_ Ông có tài “viết chữ  nhanh và rất đẹp” “chữ ông đẹp lắm,vuông lắm có chữ ông Huấn mà treo là có một vật báu trên đời” .Cái tài ấy cũng được tô đậm, đề cao hơn qua sự biệt đãi của viên quản ngục và viên thư lại . Vì khâm phục tài của ông mà hai kẻ đại diện pháp luật bất chấp pháp luật ,thậm chí bất chấp cả cái đầu của mình để hậu đãi kẻ trọng tội .

b / Huấn Cao không chỉ tài hoa rất mực , mà ở ông, tài gắn liền với tâm .

Cái tâm đó được biểu hiện rõ nét ở :

* / Khí phách ngang tàn của một bậc anh hùng nghĩa sĩ .

Hình ảnh Huấn Cao lạnh lùng đứng đầu gông dài bước vào buồng tử tù , Huấn Cao thản nhiên nhận rượu thịt “coi như đó là một việc làm trong cái hứng bình sinh . Rồi cả lúc ông trả lời quản ngục bằng câu nói khinh bạc đến điều (khi được dâng rượu thịt  ) “dù biết chúng có dở trò tiểu nhân thị oai tàn bạo để báo thù”.Tất cả cho ta thấy ông đúng là một con người “chọc trời khuấy nước”, “đến cái cảnh chết chém ông cũng chẳng  sợ nữa là cái trò tiểu nhân thị oai này”. Con người “văn võ đều có tài”kẻ “thủ xướng”cuộc dựng cờ chống triều đình ấy giờ đây trí lớn không thành ,bị giam trong ngục tối ,cổ mang gông, chân mang xiềng chờ ngày đem đi chặt đầu . Vậy mà vẫn nguyên một tư thế ung dung ,đàng hoàng ngang tàn lẫm liệt .Chân dung Huấn Cao toát lên hào quang uy nghi của một anh hùng nghĩa liệt .

 Nhưng hình tượng Huấn Cao không chỉ đẹp trong tư thế, trong khí phách cứng rắn ngang tàn mà ở con người này,   

* / Cường quyền  tiền bạc không thể lay chuyển lung lạc được ông:

“Tính ông vốn khoảnh, trừ chỗ tri kỷ ông ít chịu cho chữ”. Ông nói“ta nhất sinh không vì vàng ngọc hay quyền thế mà phải ép mình viết bao giờ .Nói cách khác ông là con người trọng nghĩa khinh lợi có nhân cách cao thượng

Con người chọc trời khuấy nước ấy đã coi thường viên cai ngục đến mức tàn nhẫn, nhưng khi hiểu ra quản ngục chỉ là cái áo khoác ngoài, đấy thực chất là một tấm lòng biết quí cái đẹp

* / Ông đã “mềm lòng trước cái đẹp cái thiện

 “Nào ta có biết đâu một người như thày quản đây mà lại có những sở thích cao quí như vậy. Thiếu chút nữa ta phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ”. Thế là con người rất kiêu bạc ngạo mạn, khinh thường cường quyền vàng ngọc ấy đã

_ thay đổi thái độ đối với viên quản ngục.

Và không chỉ có vậy, trước nguyện vọng xin chữ của viên cai ngục

–        Huân Cao đã vui lòng cho chữ .

 (c/) Và cảnh cho chữ cũng là cảnh thể hiện tập trung nhất vẻ đẹp của hình tượng Huấn Cao

Như chúng ta đã biết, ông không vì tiền bạc hay cường quyền mà ép mình viết chữ. Hơn nữa trong cuộc đời, ông cũng mới chỉ viết chữ cho ba người bạn thân. Ông tự giữ giá cái đẹp của mình đến mức ấy.

*/ Vậy nguyên nhân nào khiến ông hạ bút cho chữ viên cai ngục ?

Cái nguyên nhân khiến ông hạ bút cho chữ ấy là do ông cảm kích trước “tấm lòng biệt nhỡn liên tài”của viên quản ngục. Nói cách khác ,

–        Ông thực sự trân trọng trước tấm lòng trong sạch, biết quí trọng cái đẹp, cái thiện ở đời.

Một tấm lòng, một sở thích như thế theo Huấn Cao chỉ có thể có ở những con người còn giữ được thiên lương, điều mà ông hết sức coi trọng. Và thế là trước lúc ra pháp trường, Huấn Cao đã vui lòng cho chữ.

“Về bảo với chủ ngươi, tối nay ,lúc nào lính canh trại về nghỉ thì đem lụa ,mực ,bút và cả một bó đuốc xuống đây ta cho chữ”

(*/ Diễn biến )

“Đêm hôm ấy, lúc trại giam tỉnh Sơn chỉ còn vẳng tiếng mõ trên vọng canh, một cảnh tượng xưa nay

chưa từng có, đã bày ra trong buồng tối chật hẹp, ẩm ướt, tường đầy mạng nhện, tổ rệp, đất bừa bãi phân

chuột, phân gián.Trong một không khí khói toả như cháy nhà, ánh sáng đỏ rực của một bó đuốc tẩm dầu rọi lên ba cái đầu người đang chăm chú trên một tấm lụa bạch còn nguyên vẹn lân hồ. Khói bốc tỏa cay mắt.Một người tù cổ đeo gông, chân vướng xiềng, đang đậm tô nét chữ trên tấm lụa trắng tinh căng phẳng trên mảnh ván. Người tù viết xong một chữ, viên quản ngục lại khúm núm cắt những đồng tiền kẽm đánh dấu ô chữ đặt trên phiến lụa óng. Và cái thầy thơ lại gầy gò, thì run run bưng chậu mực…”.

Đoạn cho chữ được tác giả như một bộ phim cận cảnh. Sự tương phản cho ta nhiều ám ảnh : tử tù với quản ngục; tấm lụa trắng muốt với nền nhà ẩm ướt bẩn thỉu; mùi mực thơm với cứt chuột phân gián ;ngọn đuốc cháy đỏ rực với bóng tối tù ngục;chiếc gông xiềng xích với những nét chữ tung hoành.Đó là những nét khắc chạm của một cây bút tài hoa. Bằng sự khắc chạm tương phản ấy Nguyễn Tuân đã dựng lên một không gian nghệ thuật trang nghiêm lung linh và bi tráng. Trên cái phông nền ấy Huấn Cao hiện ra với tất cả sự ung dung lẫm liệt của một bậc nghĩa sĩ.

(*/ Ý nghĩa của cảnh cho chữ) Cảnh tượng đó Nguyễn Tuân gọi là cảnh tượng xưa nay chưa từng có:

_ Bởi ở đây ta bắt gặp một sự đảo lộn ngôi thứ, đảo lộn trật tự xã hội

Viên cai ngục thì khúm núm kính sợ, vái lạy lắng nghe lời khuyên răn của người tử tù. Còn HC tuy cổ đeo gông, chân vướng xiềng mà vẫn uy nghi lộng lẫy nổi lên trên ánh đuốc đỏ rực và nền lụa trắng tinh.

Nó là cảnh tượng chưa từng có xưa nay còn bởi

các bậc nho sĩ “tao nhân mặc khách” ngày xưa ”bụng đựng đầy chữ thánh hiền” khi viết hoặc cho chữ phải ở những nơi trăng thanh gió mát, hoa hương ngào ngạt, ly rượu nồng nàn chếnh choáng hơi men… Có như thế thì viết chữ mới đẹp, cho chữ mới đáng, và thưởng thức và mới đạt đến độ thăng hoa tuyệt đỉnh. Nhưng ở đây, Huấn Cao cho chữ quản ngục lại vào một phòng giam tối mịt “tường đầy mạng nhện, tổ rệp, đất bừa bãi phân chuột, phân gián”. 

_ Nơi giết chóc huỷ diệt cái đẹp ấy bỗng chốc trở thành địa điểm sáng tạo nghệ thuật

Trươc lúc bước lên đoạn đầu đài người tử tù đã sống những giây phút xuất thần ung dung đĩnh đạc. Ngòi bút trong tay Huấn Cao không phải là cây bút lông bình thường mà là ngòi bút thần của một bậc danh hoạ . Trước mắt ta không phải là một tên tử tội mà một nghệ sĩ tài ba lỗi lạc đang sáng tạo ra cái đẹp vô giá .Trên tấm lụa bạch những nét chữ vuông vắn ,rõ ràng lấp lánh màu mực thơm nói lên cái hoài bão tung hoành của một bậc danh sĩ tài cao và giàu khí phách . Với cảnh cho chữ này, không phải ông đang chuẩn bị hành trang để đi vào cõi chết mà chính ông đang đi vào cõi bất tử

_ Cái đẹp là vĩnh hằng, tài năng là bất tử .

Không phải ngẫu nhiên trong một đoạn văn ngắn,  mà Nguyên Tuân đã nhắc đến bó đuốc “sáng rực” đến hai lần, và nhiều lần nhắc đến mùi mực thơm. Đó là thứ ánh sáng đối lập gay gắt với bóng tối ngục tù. Bóng tối thì quánh đặc như muốn nuốt tươi ánh sáng. Nhưng không, ánh sáng ở đây vẫn ngời chói vẫn rực rỡ, chứ không như ánh sáng leo lét, buồn rầu của mẹ con chị Tý và ánh sáng rực tỏa, chói lọi của đoàn tàu rồi lại chìm vào hư không của bóng đêm trong truyện ngắn “Hai đứa trẻ” của Thạch Lam. Sự sáng rực của bó đuốc không đơn thuần là ánh sáng vật lý mà nó còn mang ý nghĩa nhân sinh đậm nét:

_ Đó là ánh sáng của sự lương tri, của nhân tâm, của thiên lương đã chiến thắng bóng tối của cường quyền, bạo lực.

Sự chiến thắng đó là điều tất yếu  sẽ xảy ra, bởi vì mọi cái thiện, cái cao cả, chính nghĩa cuối cùng  sẽ chiến thắng. Và mùi mực thơm đã thanh sạch chốn lao tù, ánh sáng của thiên lương đã cảm hóa con người một cách mạnh mẽ, nâng đỡ những con người có đức, mến mộ cái tài, nhưng yếu ớt trở về cuộc sống lương thiện… Sự chiến thắng đó là bản hùng ca, ca ngợi chữ tâm của con người thiên lương.

Sau khi cho chữ xong Huấn Cao đỡ viên quản ngục đứng thẳng dậy và đĩnh đạc khuyên ông ta .( Huấn Cao đã khuyên quản ngục những gì ? Lời khuyên đó có ý nghĩa như thế nào ?)

Huấn Cao khuyên quản ngục bỏ nghề coi tù “nhem nhuốc”mau tìm về quê để giữ lấy thiên lương cho lành vững rồi hãy chơi chữ.

Lời khuyên bảo của Huấn Cao như một nét chấm phá thần tình cho bức hoạ cho chữ thêm lung linh . Lời nói của Huấn Cao trầm tĩnh trang trọng như một lời di huấn về đạo lý làm người, về quan niệm sống của kẻ sĩ chân chính rằng :  Cái đẹp chỉ có thể tồn tại và hoà đồng với thiện tâm với thiên lương chứ không thể sống chung sống lẫn với cái ác .

III/ KẾT LUẬN

Và như vậy bằng những tình tiết mang màu sắc cổ kính ,những thủ pháp tương phản  NT đã dựng lên giữa khung cảnh đen tối của ngục tù hình ảnh người tử tù lẫm liệt cao cả và phi thường .”Ngôi sao chính vị muốn từ biệt vũ trụ ấy”mãi mãi toả sáng như một ánh hào quang chói lọi .Cũng qua đó NT đã viết rất hay về một trong những thú chơi tao nhã của cha ông ta ngày trước là thú chơi chữ và câu đối tết nhằm đề cao và biểu dương những giá trị văn hoá cổ truyền ,nêpsống thanh cao đầy nghệ thuật đầy bản sắc của dân tộc .

Bình luận về bài viết này