Phía trước là chân trời

Nhân ngày lễ Vulan đọc “Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa …”

Posted by thaidung1611 trên 02/09/2009

Thuơ ấu thơ, bên cánh võng, hẳn Nguyễn Duy từng được mẹ ru :

Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa

Miệng nhai cơm búng lưỡi lừa cá xương.

Lớn lên cùng năm tháng của đời người, âm hưởng da diết của lời ru ấy cứ ngân hoài, vang vọng mãi. Để rồi đến một ngày trong tâm khảm nhà thơ bật lên bao nỗi lòng của mình về mẹ cũng chính bằng lời ru ấy “Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa”…

Vâng ! Ngay từ nhan đề bài thơ, tác giả đã đưa ta vào không khí của ca dao trong tâm trạng thành kính nhớ thương và lòng biết ơn sâu sắc của con với mẹ.

Bài thơ mở đầu bằng một không gian, một tâm trạng :

Bần thần hương huệ thơm đêm

Khói nhang vẽ nẻo đường lên niết bàn

Đêm khuya thanh vắng, hương hệ nhè nhẹ lan tỏa, một người con đang bần thần suy tư đứng lặng trước ban thờ của mẹ. Dưới làn“khói nhang” mẹ đã về thế giới tiên phật. Không biết có cõi niết bàn thật hay không, nhưng với con đó là một vị trí, một địa danh tốt lành nhất, xứng đáng nhất dành cho người mẹ kính yêu.

Nay, trước ban thờ mẹ, thắp nén hương thơm mà lòng con da diết nhớ dáng hình của mẹ :

Chân nhang lấm tấm tro tan

Xăm xăm bóng mẹ trần gian thuở nào

Cái lấm tấm tàn nhang khi đốt, khiến con liên tưởng tới sự lấm láp vì lao nhọc vất vả của mẹ nghèo nơi “trần gian thưở nào”.

Cả đời hi sinh vì con, mẹ đâu có nghĩ đến bản thân mình :

Mẹ ta không có yếm đào

Nón mê thay nón quai thao đội đầu

Nón quai thao, chiếc yếm đào, đó là những trang phục của các cô gái xưa. Nhưng ngay cả những trang phục bình thường để làm duyên làm dáng ấy mẹ cũng không có. Mẹ chỉ có “nón mê” – nón đã rách nát, đứt vành. Thay vì yếm đào, xiêm áo của mẹ đơn sơ là màu nâu non của bùn, của đất, và cũng là màu của lao nhọc, của lam lũ vất vả.

Nhớ mẹ, con nhớ cả những lo toan vất vả, sự chịu đựng hi sinh của mẹ “Rối ren tay bí tay bầu”. Tay năm tay mười, tay quăng, tay hái, mẹ đem cả tấm thân gầy guộc mong manh ra để che chở cho con, làm chỗ dựa cho con. Còn cuộc đời mẹ thì sao ? Cái cò sung chát đào chua

Đưa con vào giấc ngủ êm đềm , mẹ ru “ Cái cò đậu cọc cầu ao – Ăn sung, sung chát, ăn đào đào chua”. Mẹ hát ru về cuộc đời con cò hay chính là mẹ đang hát ru nỗi lòng của mình : Cho dù có lần hồi vất vả kiếm sống đến đâu, mẹ cũng không sao thoát khỏi số kiếp triền miên túng thiếu đói nghèo.

Nhưng đói vẫn phải sạch, rách vẫn phải thơm. Để con mẹ có tấm lòng thơm thảo, mẹ đã hát ru con bằng lòng yêu nước, bằng ơn nghĩa ở đời : “Ru con con ngủ cho lành – Để mẹ gánh nước rửa bành con voi”; “Công cha như núi thái sơn – Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra” hay “ Muốn sang thì bắc cầu kiều _ Muốn con hay chữ thì yêu lấy thày”…

Lời ru đó là tình mẹ và cũng là những bài học làm người đầu tiên mẹ dành cho con. Nay mẹ đã khuất xa “câu ca mẹ hát gió đưa về trời”, nhưng tình ý của lời ru ấy vẫn còn vang vọng mãi trong con. Và con hiểu sâu sắc rằng :

Ta đi trọn kiếp con người

Cũng không đi hết mấy lời mẹ ru

Tình mẹ bao la hơn trời biển, có sống trọn đời người, con cũng sao cảm nhận hết được. Và dù có đi trọn cuộc đời, con cũng không thể đi hết, hiểu hết những triết lí nhân sinh của ngàn đời được đúc kết trong lời ru của mẹ

Và hạnh phúc biết bao khi tuổi thơ con có mẹ :

Bao giờ cho tới mùa thu

Trái hồng trái bưởi đánh đu giữa rằm

Bao giờ cho tới tháng năm

Mẹ ra trải chiếu, ta nằm đếm sao

Ngân Hà chảy ngược lên cao

Quạt mo vỗ khúc nghêu ngao thằng bờm

Bờ ao đom đóm chập chờn

Trong leo lẻo những vui buồn xa xôi.

Nhọc nhằn vất vả, nhưng mẹ đã vượt qua để cho con một tuổi thơ hạnh phúc như bao đứa trẻ khác. Trong vòng tay ấm áp của mẹ, những trái hồng, trái bưởi, ông sao, sông Ngân Hà, con đom đóm…tất cả đều trở thành dòng kí ức êm đềm trong trẻo của tuổi thơ con.

Mẹ sinh ra con, nuôi con lớn lên từng ngày không chỉ bằng dòng sữa tinh khiết mà còn bằng cả lời ru ầu ơ ngọt ngào tha thiết và bằng cả nỗi đắng cay vất vả của đời mẹ :

Mẹ ru cái lẽ ở đời

Sữa nuôi phần xác, hát nuôi phần hồn

Lẽ đời trong lời ru của mẹ, đó là những chân lí về lẽ sống đẹp, về phép ứng xử, những nghĩa vụ tình cảm đối với dân, với nước, với gia đình, bạn bè thày cô. Quả thực trong kho tàng hát ru của dân tộc, có câu ca nào, không mang nặng ý nghĩa nhân văn. Và vì thế, lời ru – cái lẽ ở đời ấy quan trọng với mỗi chúng con biết nhường nào “Sữa nuôi phần xác, hát nuôi phần hồn. Và bằng những điều giản dị mà thiêng liêng ấy mẹ đã nuôi bao thế hệ lớn khôn, vỗ an bao nghĩa tình sâu đậm, đúc kết lên thiên trường ca về tình mẹ bất tử.

Lời ru của mẹ, những bài học nhân nghĩa ở đời ấy chúng con sẽ mãi không quên. Nó được nối truyền từ đời này qua đời khác : “bà ru mẹ…mẹ ru con”. Nhưng đấy là trước kia. Còn bây giờ thì sao ?

“Liệu mai sau các con còn nhớ chăng”. Cuộc sống thay đổi, con người thay đổi, cái xô bồ của thực tại có làm ta quên lời ru tha thiết nghĩa tình của mẹ . Liệu các con có tiếp nối truyền thống cha ông, có nhớ về cội nguồn dân tộc, nhớ những lời răn dạy của tổ tiên ? Câu thơ là một câu hỏi, thể hiện sự băn khoăn, lo lắng của nhà thơ. Câu thơ cũng là lời cảnh báo đối với một số bà mẹ trẻ hiện nay đã vô tình quên đi cách hát ru, vô tình đã tách mình và thế hệ tương lai ra khỏi truyền thống văn hóa đạo đức của dân tộc

Bài thơ kép lại bằng lòng biết ơn, nỗi nhớ thương về sự tận tụy hi sinh của mẹ

Nhìn về quê mẹ xa xăm

Lòng ta – chỗ ướt mẹ nằm đêm mưa

“Lòng ta – chỗ ướt mẹ nằm”, lòng con sẽ ghi nhớ mãi sự hi sinh của mẹ. Lòng con sẽ mãi noi theo gương sáng vị tha nhân nghĩa của mẹ. Đó là lời hứa thành kính thiêng liêng và cũng là tấm lòng của con ơn mẹ trọn đời

“Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa

Miệng nhai cơm búng lưỡi lừa cá xương”

Hương vị ca dao chan chứa tình thương và lòng biết ơn khiến cho bài thơ như một khúc sông đẹp, nối liền quá khứ với hiện tại và tương lai trên dòng chảy của thời gian vô tận và tình người muôn thuở

2 bình luận to “Nhân ngày lễ Vulan đọc “Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa …””

  1. Trang said

    Bài này làm hay đó chứ

  2. NganKhiet said

    Bai viet duoc do. Thanks

Gửi phản hồi cho NganKhiet Hủy trả lời